Trong hầu hết các hệ sinh thái trên thị trường Cryptocurrency hiện nay như BSC, Polygon, Near,.. đang sử dụng công nghệ EVM blockchain, bên cạnh đó các hệ sinh thái tiềm năng mới nổi như Cardano, Solana, Terra,…. đang sử dụng non- EVM Blockchain. Hôm nay mình sẽ cùng các bạn tìm hiểu xem EVM blockchain là gì và liệu EVM sẽ có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của blockchain?
Định nghĩa EVM là gì?
Ethereum Virtual Machine (EVM), tạm dịch: Máy ảo Ethereum, là một môi trường thực thi mã bytecode của các hợp đồng thông minh.
Giống như hầu hết các blockchain, Ethereum cũng cần hàng ngàn người chạy phần mềm trên máy tính để tiếp sức cho mạng lưới. Mỗi điểm nút (node – hay chính là một máy tính) trong mạng lưới sẽ vận hành Ethereum Virtual Machine và chạy các hợp đồng thông minh.
Để hoàn thành việc gì trên chiếc máy tính thế giới này, bạn cần phải trả một mức giá, mà ở đây được quy định là Gas Price. Tuy vậy, bạn sẽ không trả bằng tiền tệ thường mà bằng một loại tiền ảo của riêng mạng lưới gọi là Ether.
EVM Blockchain
EVM Blockchain là gì?
EVM blockchain là các blockchain tương thích máy ảo Ethereum, điều này đồng nghĩa với việc các smart contract của Ethereum có thể được chạy trên các blockchain đó. Nói một cách khác, chỉ cần điều chỉnh một chút, thì các Dapps (ứng dụng phi tập trung) trên Ethereum có thể chạy được trên EVM blockchain. Một số ví dụ của EVM blockchain là Fantom, Celo, Avax C-Chain, BSC,…
Bởi vì Ethereum đang là hệ sinh thái hàng đầu với hàng trăm dự án từ lớn tới bé, với tổng TVL của cả hệ là $197 tỷ đô, chiếm hơn 65% thị trường DeFi. Điều này có nghĩa hệ sinh thái Ethereum đang là một mảnh đất rất màu mỡ, rất nhiều blockchain khác muốn được bridge tới đó.
Trải nghiệm đối với người dùng
- Trải nghiệm thân thiện
Với những người đã từng sử dụng các Dapps của mạng Ethereum, thì chắc chắn sẽ làm quen rất nhanh với các sản phẩm ở trên EVM blockchain. Đơn giản bởi vì các nhà phát triển sẽ giữ nguyên giao diện và tính năng của chúng.
- Phí gas và tốc độ giao dịch
Hiện nay, mạng lưới Ethereum đang gặp phải rất nhiều hạn chế của nền tảng như là phí giao dịch quá cao (đặc biệt lên tới $100 nếu mạng Ethereum bị tắc nghẽn, điều này xảy ra rất thường xuyên), hoặc với tốc độ giao dịch rất chậm. Những điều này ảnh hưởng trực tiếp tới trải nghiệm của người dùng.
Hơn nữa, các blockchain ra mắt sau sẽ nổi bật hơn về công nghệ cũng như giải quyết được phần nào các vấn đề còn tồn đọng của Ethereum. Đặc biệt hơn là khi tương thích EVM thì khả năng mở rộng của các blockchain này càng được củng cố.
Ví dụ như DYDX đây là một sàn giao dịch derivatives (phái sinh) được thiết kế ban đầu trên mạng Ethereum, nhưng sau đó được triển khai trên mạng Starkware và đã rất thành công khi chiếm trọn thị phần phái sinh của blockchain.
Tiện ích đối với nhà phát triển
- Không mất thời gian làm quen:
Đối với các Developers dù mới hay có kinh nghiệm cũng sẽ rất tốn thời gian để nghiên cứu và làm quen với một ngôn ngữ lập trình mới. Nhưng giờ đây, với công nghệ EVM, các dev có thể dễ dàng sử dụng giữa các blockchain với nhau.
- Nhận diện thương hiệu:
Sản phẩm của team dự án khi được triển khai trên các blockchain khác, về giao diện sẽ có thể được giữ nguyên hoặc thay đổi tùy theo nhu cầu của dự án. Vậy nên thay vì lập một dự án hoàn toàn mới, thì team chỉ cần một chút chỉnh sửa cho phù hợp là có thể triển khai dự án trên Ethereum của mình lên trên EVM blockchain.
- Sản phẩm sẽ được nhân rộng:
Thay vì bị giới hạn ở trong một blockchain nhất định, thì sản phẩm của team sẽ được mở rộng ra các blockchain khác ⇒ Mở rộng sức ảnh hưởng và thu hút nhiều users hơn,
Những EVM blockchain hiện có trên thị trường
Các giải pháp Layer 2
Có thể thấy, các layer 2 của Ethereum cũng đã có những thành công nhất định khi các dự án trên Ethereum có thể triển khai cả nền tảng của mình lên trên các lớp giải pháp đó. Điều này cũng thúc đẩy của toàn bộ hệ sinh thái Ethereum nói chung và các dự án layer 2 nói riêng.
Binance Smart Chain (BSC)
Binance Smart Chain là một ví dụ điển hình của một EVM blockchain có được rất nhiều thành công với hơn $22 tỷ đô giá trị TVL, đứng thứ 2 chỉ sau Ethereum.
Hệ sinh thái BSC có hơn 900 ứng dụng DeFi, trong đó có hơn 50 dự án sàn giao dịch phi tập trung (DEXs). Và thành công nhất với dự án DEX PancakeSwap với hơn $8 tỷ đô TVL.
Tuy nhiên, hơn 50 dự án DEXs trong hệ sinh thái BSC gần như là copy của nhau hoặc là fork từ dự án khác qua EVM. Điều này gây ra sự phân mảnh của TVL và làm hệ sinh thái bị loãng, không cô đọng, khi mà users có quá nhiều sản phẩm tương tự nhau.
Polygon
Với mục đích ban đầu của Polygon xuất hiện là giải pháp layer 2 cho Ethereum để giải quyết những hạn chế của Ethereum như phí gas, tốc độ giao dịch,… nhưng hiện tại thì mạng Polygon thanh toán phí giao dịch bằng MATIC (token chính của mạng Polygon), nên được coi là một blockchain tách biệt với Ethereum. Ở thời điểm viết bài, Polygon đang có TVL là hơn 5.78 tỷ đô, cho thấy sự phát triển rất nhanh cả số lượng và chất lượng của các dự án mới.
Điển hình là dự án NFT marketplace OpenSea. Dự án này được phát triển trên Ethereum và đã rất thành công, với volume tháng 8/2021 lên tới gần 3.5 tỷ đô và trên Polygon với hơn 50 triệu đô. Điều này cho thấy OpenSea đã bắt đầu mở rộng thị phần và quan tâm tới lợi ích của người dùng khi mà họ sử dụng mạng Polygon thay vì Ethereum.
Qua 2 dự án trên thì có thể thấy những ưu điểm của việc được tương thích EVM như sau:
- Thu hút được rất nhiều dự án
- Thu hút các nhà phát triển
- Tận dụng được mạng lưới của Ethereum
Điểm hạn chế của EVM blockchain
1. Giảm tính bảo mật & Rủi ro bị hack
EVM là một công nghệ giúp các dự án có thể triển khai trên nhiều blockchain khác nhau. Nhưng khi bị tấn công liên chuỗi (cross-chain attack) như Poly Network vào tháng 8/2021, điều này gây ra “chết trùm” và thiệt hại sẽ là rất lớn.
2. Thanh khoản bị phân mảnh
Dự án có mặt ở nhiều blockchain thì thanh khoản sẽ chỉ tồn tại ở blockchain đó và không liên kết lại được với nhau. Mặc dù có bridge để chuyển các token qua lại giữa các blockchain, nhưng lại có hạn chế về phí, thời gian chuyển và rủi ro bảo mật. Các ứng dụng DeFi mà thanh khoản thấp thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới lợi ích và trải nghiệm người dùng.
Ví dụ như Sushi ở ảnh dưới hỗ trợ tới 13 chain nên việc thanh khoản bị phân mảnh là điều tất yếu.
3. Audit nhiều smart contract trên nhiều blockchain:
Chi phí cho audit smart contract ngày càng đắt đỏ, khi mà các dự án muốn gây dựng uy tín thì càng hiểu audit là một việc rất cần thiết.
Theo Ulam (công ty hợp tác với dự án Algorand), giá của việc audit smart contract trên Ethereum có thể giao động từ $7500 đến $45,000, đặc biệt, có công ty yêu cầu lên tới $100,000. Tưởng tượng các dự án phải audit trên nhiều blockchain thì giá audit sẽ lớn tới cỡ nào.
Non-EVM Blockchain
Non- EVM Blockchain là gì?
Như đúng cái tên thì Non-EVM Blockchain có định nghĩa trái ngược hoàn toàn so với EVM- Blockchain. Non-EVM blockchain là những Blockchain không tương tích với EVM. Có thể kể tới các non-EVM blockchain như là Cardano, Solana, Algorand, Terra, Avalanche X-Chain,…
Đặc điểm chính của các non-EVM blockchain là sử dụng ngôn ngữ lập trình smart contracts khác so với Solidity trên Ethereum:
- Cardano dùng Haskell/Plutus.
- Solana dùng Rust/C/C++.
- Terra dùng Rust.
- Algorand dùng TEAL (Transaction Execution Approval Language).
Điểm mạnh và hạn chế của Non-EVM blockchain
Vì đặc điểm chính của các non-EVM blockchain là sử dụng ngôn ngữ lập trình smart contract khác nhau. Vậy nên điểm mạnh và hạn chế sẽ xoay quanh vấn đề này
- Lợi thế:
Các non-EVM blockchain sẽ sở hữu một cộng đồng developer riêng và họ sẽ được các chương trình ưu tiên để thúc đẩy phát triển của cả hệ sinh thái. Các sản phẩm trong hệ sinh thái lúc này sẽ đến từ chính cộng đồng developer này.
- Hạn chế:
Câu hỏi khó của các non-EVM blockchain là làm sao để xây dựng được một cộng đồng developer mạnh. Vì họ là builder chính của cả hệ sinh thái, nên mỗi non-EVM blockchain sẽ có một chiến lược cũng như hướng phát triển khác nhau.
Cơ hội của những dự án non-EVM blockchain
Cơ hội ở đây dành cho các dự án mà tập trung phát triển trên một blockchain nền tảng để đạt được thành công trước, rồi mới triển khai trên các blockchain khác. Bài học từ các dự án trên Ethereum rất thành công như (Aave, Sushi, Curve, etc.), tuy vậy ở thời điểm bắt đầu xuất hiện smart contracts thì Ethereum là lựa chọn tốt nhất.
Hiện tại, Solana cũng như là các blockchain thế hệ mới khác như Cardano, Algorand, Terra, Flow,… là những nền tảng có công nghệ vượt trội và rất tiềm năng để triển khai các Dapps. Vậy cơ hội của các dự án trên non-EVM blockchain thì sẽ như thế nào?
Chú ý tới giai đoạn của một blockchain nền tảng, vì mỗi blockchain sẽ có những chiến lược và kế hoạch khác nhau để thúc đẩy sự phát triển của cả hệ. Có thể ban đầu sẽ tập trung vào dự án trong hệ sinh thái, hoặc ưu tiên các dự án qua EVM.
⇒ Tập trung vào một non-EVM blockchain để có nhiều cơ hội thành công trong hệ sinh thái đó. Lúc này, dự án sẽ đi trước và chiếm được thị phần của cả hệ sinh thái trước khi các dự án khác đổ bộ qua EVM.
Các dự án trên Ethereum đang muốn trở thành multi-chain và chạy trực tiếp trên các blockchain đó. Điều kiện cần của các blockchain này là phải được tương thích EVM, trong khi đó có rất nhiều non-EVM blockchain.
⇒ Tập trung vào một layer để giải quyết những vấn đề ở layer đó.
Có thể nói đến Sushi là một dự án rất thành công trên Ethereum với rất nhiều tính năng và đã có mặt tại 13 blockchain khác nhau. Về bản chất, Sushi đã là multi-chain, nhưng không phải ở blockchain nào users cũng được sử dụng tất cả các tính năng của Sushi.
Ví dụ như dùng Sushi trên mạng Binance Smart Chain (BSC), người dùng sẽ không sử dụng được tính năng limit order (đặt lệnh chờ) ở trên Sushi. Đây chỉ là một ví dụ nói đến các tính năng bị hạn chế của các dự án chạy trên nhiều nền tảng blockchain khác nhau.
⇒ Tập trung vào sản phẩm phù hợp với users và market ở một blockchain.
Rủi ro và hạn chế của EVM blockchain được nhắc tới ở phần trước như là bảo mật, khả năng bị hack, thanh khoản bị phân mảnh, nguồn lực bị phân tán, và giá audit đắt đỏ,…
⇒ Tập trung vào một blockchain và xây dựng sản phẩm trên chính nền tảng có sẵn của blockchain đó.
Bởi vậy, khi các dự án tập trung vào một blockchain thì sẽ có được rất là nhiều lợi thế và từ đó khả năng thành công sẽ cao hơn so với việc phân tán mọi thứ và trở nên phức tạp.
Tổng kết
Qua bài viết, mình đã phân tích cho các bạn 1 cái nhìn tổng quan nhất về EVM Blockchain, những lợi ích và hạn chế của EVM áp dụng dùng trên các hệ sinh thái và những ưu nhược điểm với non-EVM blockchain với các hệ sinh thái mới tiềm năng. Chúc các bạn thành công.