Với nhiều anh em quan tâm đến mạng lưới Ethereum, chắc hẳn đã vài lần lướt qua khái niệm MEV (Miners-Extractable Value). Tuy nhiên, khái niệm này vẫn khá khó hiểu và xa lạ vì nó vẫn thiên khá nhiều về mặt hạ tầng. Do đó, hôm nay hãy tìm hiểu về MEV để hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé!
MEV là gì?
Với cơ cấu hoạt động hiện tại của Ethereum, các thợ đào (miners) sẽ được toàn quyền lựa chọn các giao dịch để bỏ vào khối và sau đó tiền hành xác thực. Vì vậy, chúng ta có khái niệm “extractable values” – tức khoản giá trị mà miners có thể truy thu, nhờ vào việc xào nấu, sắp xếp lại thứ tự các giao dịch.
Vì sao người dùng ETH cần quan tâm đến MEV?
Vì mạng lưới Ethereum liên tục bị chỉ trích bởi vấn đề phí gas, người dùng thường xuyên tương tác trên blockchain này cần quan tâm đến độ biến động của phí giao dịch. Mức biến động này được gây ra bởi “Gas War” mà minh sẽ giải thích thêm ở phần “Tác hại của MEV” bên dưới.
Các hình thức phổ biến của MEV
Đầu tiên, phổ biến nhất là front-running (hiểu nôm na là miner sẽ chèn giao dịch của mình lên trước user để chụp lấy lợi nhuận từ giao dịch đó). Hình thức để thực hiện thì chỉ đơn giản là set mức gas cao hơn giao dịch của user, từ đó được thu xếp cho xác thực trước.
Ngược lại, chúng ta có hình thức back-running, tức thợ đào sẽ dựa vào phản ứng của thị trường, hoặc tác động do giao dịch của user gây ra, rồi đặt lệnh sau giao dịch của user để truy thu lượng giá trị.
Từ đó sẽ phát sinh ra khái niệm sandwich attack, tức kiểu bánh mì kẹp thịt. Đây là combo một đầu chèn giao dịch front-running, một đầu chèn giao dịch back-running.
Tuy nhiên, không hẳn 100% vấn đề bắt nguồn từ các thợ đào. MEV hoàn toàn có thể được triển khai bởi một bên thứ ba (các dạng bot theo dõi giao dịch). Các bot này có thể theo dõi và tự set phí gas để truy thu lượng giá trị MEV cho mình.
Tác hại và ảnh hưởng của MEV
Trước khi nói về tác hại chính, chúng ta hãy cùng rảo qua khái niệm “arbitrage” để nắm được bức tranh. Arbitrage dịch sát nghĩa là “giao dịch chênh lệch giá”. Khi giá ETH ở sàn DEX U cao hơn giá ETH ở sàn DEX S, các bot giao dịch arbitrage sẽ mua ETH ở U và bán ở S để hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá.
Điều này về cơ bản sẽ giúp tái cân bằng giá thị trường, điều phối thanh khoản một cách hợp lý giữa các sàn. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh khi quá nhiều bot cố gắng nâng mức phí giao dịch lên để có cơ hội thực hiện giao dịch arbitrage.
Hậu quả là khi thị trường biến động mạnh về giá, các cơ hội arbitrage càng nhiều, cuộc chiến phí gas sẽ diễn ra hết sức căm go. Đồng thời điều này làm trầm trọng vấn đề gas khi có biến động mạnh của thị trường.
Ngoài ra, vì giao dịch bị đẩy lùi về sau, user hoàn toàn có thể phải chấp nhận các tỷ giá giao dịch không có lợi, khiến trải nghiệm giao dịch DEX trở nên tồi tệ.
EIP-1559 có giải quyết được MEV?
Nếu anh em chưa nghe qua EIP-1559, thì có thể tìm hiểu những chi tiết chính của đề xuất này trong podcast dưới đây:
>Xem thêm: DeFi Discussion ep.4: Đàm đạo về EIP-1559 của Ethereum
EIP-1559, về mặt lý thuyết, sẽ giúp phí giao dịch tăng từ từ (khi có biến động thị trường), thay vì giật một cái ào và khó đoán như trước. Như vậy, cuộc chiến phí gas từ đó sẽ được kìm hãm? Câu trả lời là vừa có, cũng vừa không.
Vì base fee sau eip-1559 được burn, thế mạnh của các thợ đào phần nào giảm xuống, khi họ không thể nhận lại được phí giao dịch sau cuộc chiến phí gas.
Tuy nhiên, bản nâng cấp này khó có thể giải quyết triệt để được vấn đề, khi “tip fee” (lượng phí trả thêm để khuyến khích miner) vẫn dịch chuyển tăng giảm tuỳ ý người thực hiện giao dịch, và diều này không thể ngăn các bên thứ ba săn arbitrage. Thậm chí, họ sẵn sàng trả thêm phí để mint ra các NFT thời kì hậu nâng cấp London.
FSS của Chainlink có thể giải quyết được MEV?
Vào tháng 09/2020, Chainlink đã giới thiệu một giải pháp cho MEV với tên gọi FSS (Fair Sequencing Services). Theo đó, họ sẽ xây dựng một mạng lưới oracle đứng giữa, sắp xếp lại các giao dịch theo thứ tự thời gian gửi tới Mempool, từ đó gửi lại thứ tự này cho smart contract mà user muốn tương tác trên blockchain.
Tuy nhiên, việc có một đơn vị đứng giữa vẫn sẽ đặt ra dấu hỏi về tính phi tập trung (dù Chainlink đã nhấn mạnh về tính “fair” của giải pháp này).
Roadmap cụ thể của giải pháp này vẫn chưa được công bố chi tiết, do đó hiệu quả của FSS vẫn sẽ cần thời gian trả lời.
Flashbot – giải pháp được chờ đợi?
Flashbot là một tổ chức được tài trợ vốn bởi Paradigm. Họ sinh ra với tôn chỉ sẽ làm minh bạch hoá các hoạt động liên quan đến MEV.
Flashbot Auction là mạng lưới đấu giá phi tập trung các cơ hội front-running, giúp dữ liệu liên quan đến MEV được ghi lại chi tiết. Sàn đấu giá này bao gồm “miner” – tức các thợ đào và “searcher” – những người tìm kiếm cơ hội front-running.
Tạm kết
Như vậy là chúng ta đã cùng đảo qua một vài khái niệm lẫn vấn đề xoay quanh MEV. Nếu quan tâm đến các vấn đề chuyên sâu của thị trường DeFi, anh em có thể tham gia cùng thảo luận ở cộng đồng Fomo Sapiens nhé!!!