Oracle có lẽ đã không còn là từ khoá quá mới mẻ với hầu hết các nhà đầu tư trong thị trường tiền mã hoá. Vậy các dự án Oracle như Chainlink (Link), Tellor (TRB), Band Protocol (BAND) đóng vai trò như thế nào trong toàn bộ hệ sinh thái crypto, các bạn hãy cùng TTT Capital tìm hiểu thông qua bài viết này nhé!
Oracle là gì?
Oracle là các ứng dụng cung cấp nguồn, xác minh và truyền thông tin từ bên ngoài đến các hợp đồng thông minh chạy trên blockchain. Bên cạnh việc lấy dữ liệu ngoài chuỗi và đưa vào các mạng blockchain, Oracle cũng có thể “đẩy” thông tin từ blockchain ra các hệ thống bên ngoài.
Nhìn chung, có thể xem Oracle là một “cầu nối” kết nối các hợp đồng thông minh trên mạng blockchain với các nhà cung cấp dữ liệu từ thế giới thực.
Hiện tại, thông tin trên blockchain được chia làm 3 dạng chính:
- Real World Data: Các thông tin trong thế giới thực.
- Crypto Market Data: Các thông tin trên CoinMarketCap, CoinGecko như biến động giá, khối lượng giao dịch, thay đổi về Market Cap,…
- Enterprise Service: Các thông tin để phục vụ cho việc vận hành của các tổ chức, doanh nghiệp.
Các thông tin trên sẽ được các Oracle đưa vào smart-contract và blockchain để khai thác sử dụng. Oracle với chức năng quan trọng của nó đã góp phần giúp cho blockchain và smart contract được tăng tính ứng dụng thực tế.
Tiêu chí đánh giá một giải pháp Oracle
– Tính chính xác: Oracle phải đảm bảo tính xác thực và tính toàn vẹn của dữ liệu – tính xác thực có nghĩa là dữ liệu được lấy từ đúng nguồn, trong khi tính toàn vẹn có nghĩa là dữ liệu vẫn còn nguyên vẹn (tức là nó không bị thay đổi) trước khi được gửi trên chuỗi.
– Tính liên tục: Tiêu chí này này yêu cầu dữ liệu từ Oracle phải luôn sẵn sàng theo yêu cầu mà không bị gián đoạn.
– Tính khuyến khích dựa trên chất lượng dữ liệu: Oracle phải có cơ chế khuyến khích các nhà cung cấp dữ liệu ngoài chuỗi gửi thông tin chính xác cho hợp đồng thông minh. Tiêu chí này đề cập đến việc khen thưởng hoặc phạt nhà cung cấp dữ liệu dựa trên chất lượng thông tin mà họ cung cấp.
Phân loại Oracle
Theo dự án Chainlink, Oracle có thể được chia 4 loại sau:
- Input Oracle: Loại Oracle có chức năng nạp dữ liệu vào blockchain cho hợp đồng thông minh sử dụng. Input Oracle được sử dụng để hỗ trợ nguồn cấp dữ liệu giá (Price Feed), cho phép các hợp đồng thông minh quyền truy cập vào dữ liệu thị trường tài chính.
- Output Oracle: Loại Oracle này có chức năng gửi dữ liệu từ blockchain ra các hệ thống ngoài chuỗi. Output Oracle được sử dụng để cung cấp các loại dữ liệu như thông báo cho ngân hàng để thực hiện thanh toán.
- Cross-Chain Oracle: Loại Oracle này có khả năng đọc và ghi thông tin giữa nhiều blockchain khác nhau. Cross-Chain Oracle cho phép khả năng tương tác để di chuyển cả dữ liệu và tài sản giữa các blockchain.
- Compute-Enabled Oracle: loại Oracle này được sử dụng nhằm bảo mật cho các tính toán ngoài chuỗi để cung cấp các dịch vụ phi tập trung mà không thể thực hiện trên chuỗi do các hạn chế về kỹ thuật, pháp lý hoặc tài chính.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể phân loại Oracle thành Centralized (Tập trung) và Decentralized (Phi tập trung).
- Centralized Oracle: được kiểm soát bởi một thực thể duy nhất chịu trách nhiệm tổng hợp thông tin ngoài chuỗi và cập nhật dữ liệu của hợp đồng Oracle theo yêu cầu. Các Centralized Oracle hoạt động dựa vào một nguồn dữ liệu duy nhất. Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào một nguồn dữ liệu duy nhất là rất nguy hiểm vì nó khiến hợp đồng thông minh dễ bị thao túng.
- Decentralized Oracle: Các Decentralized Oracle được thiết kế để khắc phục những hạn chế của Centralized Oracle. Dịch vụ Decentralized Oracle bao gồm nhiều người tham gia vào mạng ngang hàng hình thành sự đồng thuận về dữ liệu ngoài chuỗi trước khi gửi nó đến hợp đồng thông minh. Decentralized Oracle sẽ đảm bảo tính chính xác, tính liên tục và tính khuyến khích dựa trên chất lượng dữ liệu – điều mà Centralized Oracle không làm được.
Vai trò của Oracle
Như chúng ta đã biết, bản chất của hợp đồng thông minh vốn không có khả năng tương tác với dữ liệu và hệ thống tồn tại bên ngoài môi trường blockchain – đây được gọi là vấn đề Oracle. Vì vậy, các giải pháp Oracle được phát triển để đóng vai trò như một cổng kết nối giữa hợp đồng thông minh và hệ thống thông tin bên ngoài blockchain.
Với sự xuất hiện của mình, Oracle sẽ mở rộng tính ứng dụng cho blockchain bằng cách cung cấp một cổng kết nối với các tài nguyên ngoài chuỗi trong khi vẫn duy trì các đặc tính bảo mật có giá trị của blockchain.
Thị phần trong lĩnh vực Oracle
Để tính được giá trị của mạng Oracle trong nền kinh tế phi tập trung chúng ta cần sử dụng chỉ số TVS (Total Value Secured). TVS là tổng lượng TVL trong các giao thức và nền tảng sử dụng mạng Oracle để bảo vệ tiền của người dùng.
Thị phần của các giải pháp Oracle vào ngày 2/10/2023 – Nguồn: DefiLlama
Tính đến thời điểm hiện tại, Chainlink vẫn được xem là người khổng lồ trong lĩnh vực Oracle khi mà dự án này chiếm gần 50% TVS của toàn bộ thị trường tiền mã hoá.
TVS của các giao thức Oracle hàng đầu vào ngày 02/10/2023 – Nguồn: Defillama
Theo DefiLlama, 344 giao thức đang sử dụng dịch vụ Oracle của Chainlink với TVS lên đến 12.34 tỷ USD. WINKLink và Chronicle có TVS khá đáng kể, nhưng chỉ có một vài giao thức nhất định sử dụng dịch vụ của 2 giải pháp này.
Oracle đã được ứng vào các lĩnh vực nào?
Oracle được ứng dụng vào khá nhiều lĩnh vực như: DeFi, Gaming, bảo hiểm, dApp, NFT, ngân hàng, cá cược,…
Ví dụ về tính ứng dụng của Oracle trong một số lĩnh vực:
DeFi
Nền tảng phát hành tài sản tổng hợp cần dữ liệu giá của tài sản thực (cổ phiếu, trái phiếu) để neo giá trị các Synthetix Token (xGold, mAAPL ) trên nền tảng của mình.
Dynamic NFT và Gaming
Oracle cũng cho phép các trường hợp sử dụng phi tài chính như Dynamic NFT – NFT có thể thay đổi về hình thức, giá trị hoặc phân phối dựa trên các sự kiện bên ngoài như thời gian trong ngày hoặc thời tiết.
Oracle sẽ tính toán được sử dụng để tạo ra tính ngẫu nhiên có thể kiểm chứng mà các dự án sau đó sử dụng để gán các đặc điểm ngẫu nhiên cho NFT hoặc để chọn những người chiến thắng may mắn ngẫu nhiên trong các đợt phát hành NFT.
Bảo hiểm
Trong lĩnh vực bảo hiểm, hợp đồng thông minh có thể sử dụng các Input Oracle để xác định sự xuất hiện của các điều kiện bảo hiểm trong quá trình giải ngân.
Các Output Oracle cho phép hợp đồng thông minh thực hiện thanh toán cho yêu cầu giải ngân bằng mạng thanh toán truyền thống.
Tổng kết
Oracle là một trong những công cụ quan trọng đóng vai trò cầu nối giữa blockchain và hệ thống thông tin bên ngoài . Thông qua bài viết này chắc các bạn đã phần nào nắm được những thông tin cơ bản về Oracle.
Nguồn: TTT Capital tổng hợp từ Internet