App-chain là gì?
App-chain, nguyên văn là “application-specific blockchain”, là một blockchain được thiết kế nên để phục vụ cho một ứng dụng duy nhất thay vì trở thành một nền tảng công cộng phục vụ nhiều ứng dụng cùng một lúc như Ethereum, cardano, bnb,…
Vì sao chúng ta lại cần tới app-chain?
Một ứng dụng được xây dựng trên một blockchain công cộng khi phát triển tới một mức nào đó sẽ có yêu cầu cao hơn về công suất và tốc độ từ blockchain nền tảng để đảm bảo trải nghiệm người dùng luôn được tối ưu hóa. Trong trường hợp này, việc tự xây dựng một blockchain riêng đối với các dự án DeFi hay GameFi là cần thiết để đảm bảo sản phẩm của mình duy trì được phí gas ổn định với năng suất xử lý giao dịch nhiều hơn trong một khoảng thời gian nhất định, dẫn đến nhu cầu làm app-chain.
Hơn nữa, nếu các dự án có nhu cầu ứng dụng một loại công nghệ đặc biệt không có sẵn trên các blockchain công cộng, kế hoạch tự xây dựng app-chain cũng nên được cân nhắc đến. Lấy ví dụ về công nghệ zero-knowledge (ZK) thường được sử dụng để bảo vệ quyền riêng tư hoặc để tăng tốc độ giao dịch trên các Layer-2 của Ethereum nhưng vẫn duy trì được tính bảo mật cho hệ thống: máy ảo của Ethereum trước nay không hỗ trợ công nghệ này (vì đội ngũ Ethereum khi xây dựng blockchain cũng chưa từng nghĩ tới trường hợp ứng dụng công nghệ ZK vào blockchain), cho nên các ZK-rollups như StarkEx phải sử dụng tới ngôn ngữ lập trình riêng là Cairo để tạo ra các bằng chứng xác thực (proof) cho một tổ hợp các giao dịch trước khi gửi chúng lên mainnet của Ethereum.
Aztec, trước đây là một giao thức bảo vệ quyền riêng tư khi giao dịch trên Ethereum, đã đi theo hướng phát triển app-chain cho riêng mình khi tự phát hành rollup sử dụng công nghệ ZK để duy trì được sự riêng tư nhưng vẫn có thể giảm phí giao dịch xuống mức thấp hơn cho người dùng.
Việc tự xây dựng app-chain cũng được xem là một cách các dự án tạo thêm giá trị cho token của mình. Khi sử dụng một ứng dụng trên một blockchain công cộng, người dùng cần phải trả hai khoản phí, một là phí dịch vụ trả cho dự án và phí giao dịch trên nền tảng blockchain, vốn được dùng để đảm bảo sự an toàn cho ứng dụng. Nếu tự xây dựng một blockchain riêng, các ứng dụng có thể giảm bớt phần phí giao dịch trên nền tảng blockchain và đảm bảo rằng những khoản phí mà người dùng cần trả sẽ phần nhiều quy tụ thành doanh thu riêng cho dự án.
Rủi ro của việc xây dựng app-chain
Vấn đề lớn nhất của việc tự xây dựng một blockchain riêng là tính bảo mật. Trách nhiệm đảm bảo tính bảo mật trên các nền tảng blockchain công cộng như Ethereum được gánh vác bởi một tập thể lớn các validator, và tập thể này các lớn mạnh thì tính bảo mật sẽ càng được củng cố. Ngược lại, với các blockchain mới được xây dựng, số lượng các validator chưa thể “hùng mạnh” như các blockchain có tuổi đời lâu năm hơn nên tính bảo mật cũng chưa thể nào sánh bằng. Không những vậy, chỉ riêng việc thu hút validator đối với các dự án blockchain mới cũng là một vấn đề khá đau đầu vì đôi khi phần thưởng (reward) dưới dạng token của dự án không đủ bù đắp cho chi phí năng lượng mà validator phải bỏ ra để chạy node.
Một vấn đề khác cũng liên quan tới tính bảo mật khi xây dựng app-chain là việc xây dựng các cầu nối – bridge. Việc xây dựng cầu nối là vô cùng cần thiết với các app-chain để người dùng có thể thuận tiện luân chuyển tài sản của mình sang một hệ sinh thái mới, nhưng nó cũng đồng thời là một lỗ hổng thường xuyên bị tấn công bởi các hackers vì lỗi tiềm ẩn trong các hợp đồng thông minh (như vụ tấn công vào Wormhole gây thiệt hại hơn 300 triệu USD) hay vì sự tập trung hóa khi quản lý các cầu nối này (điển hình là vụ hack cầu nối Ronin gây thất thoát hơn 600 triệu USD).
Thứ hai, khi xây dựng ứng dụng trên một blockchain độc lập cũng có nghĩa là tính composability – khả năng tích hợp và tương tác với một ứng dụng khác cũng sẽ giảm đi rất nhiều. Khi các ứng dụng được xây dựng trên cùng một blockchain, tính năng của chúng có thể dựa vào một hoặc nhiều nền tảng khác để giúp trải nghiệm người dùng được mượt mà hơn, ví dụ như cho phép người dùng thực hiện một lệnh giao dịch thông qua nhiều AMMs khác nhau để có giá tốt nhất mà không phải luân chuyển qua lại nhiều lần giữa các giao thức.
Tất cả những vấn đều nêu trên, cộng với một loạt các phần cơ sở hạ tầng khác cần được xây dựng để một blockchain vận hành ổn định sẽ làm tăng thêm thời gian và chi phí mà một dự án phải bỏ ra để xây dựng đế chế app-chain cho riêng mình.
Tổng kết:
Tính tới tháng 9 năm 2022, đã có khoảng 49 blockchain đang chạy trên Cosmos, và con số này sẽ còn tăng nữa trong tương lai nhờ vào Cosmos SDK và khả năng giao tiếp giữa các blockchains với nhau (interoperability) được hỗ trợ bởi cầu nối IBC. Việc bổ sung thêm tính năng Interchain Security sẽ là một bước đệm quan trọng nữa giúp Cosmos hoàn thành sứ mệnh của mình, sứ mệnh mang tên Internet of Blockchains.