Cross-chain Bridge là gì? Mở ra cánh cửa thần kì trong thế giới blockchain
Cross-chain không phải là khái niệm quá xa lạ với nhiều anh em đầu tư DeFi. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, mảng sản phẩm này vẫn chưa phải là quá “hot”. Vậy tại sao việc đi lại giữa các chain (điều tưởng chừng như tất nhiên) lại không quá hấp dẫn trong thời điểm hiện tại? Và đâu sẽ là những tiềm năng trong tương lai của Cross-chain? Cùng Tienthuattoan Capital tìm hiểu trong bài viết hôm nay nhé!
Ở trong bài viết nói về Cross-chain là gì? Mình đã nói về định nghĩa của Cross-chain cũng như là tầm ảnh hưởng của các giải pháp Cross-chain đối với tình hình hiện tại của các mạng lưới blockchain hiện nay. Khi mà giờ đây, cuộc chơi không phải của chỉ riêng mình hệ sinh thái Ethereum nữa mà đã là cuộc đua của rất nhiều hệ sinh thái như: SOL, BSC, TERRA,… thì Cross-chain là một giải pháp cần thiết nếu các hệ muốn thu hút nhiều người dùng và dòng tiền hơn nữa về với hệ của mình.
Cross-chain bridge – Một giải pháp giúp người người dùng chuyển giao tài sản giữa các blockchain đã ra đời nhằm mục đích giải quyết vấn đề về sự phát triển ngày một độc lập của các hệ sinh thái khác nhau. Và khi mà ngày càng xuất hiện nhiều hơn các dự án đa chuỗi và vấn đề về tương tác đa chuỗi dần trở thành chìa khóa phát triển chính, các nhà đầu tư dù mới dù cũ trong lĩnh vực DeFi cần phải thực sự hiểu được Cross-chain bridge là gì và cách thức hoạt động của nó như thế nào. Hôm nay, mình sẽ giới thiệu cho anh em biết về khái niệm, đặc điểm, tiềm năng trong tương lai của Cross-chain bridge.
Định nghĩa
Cross-chain bridge là ứng dụng cho phép kết nối các mạng lưới blockchain lại và tương tác với nhau một cách an toàn. Với cross-chain bridge, người dùng có thể chuyển dịch token giữa các blockchain khác nhau, còn đối với DeFi thì cross-chain bridge cho phép người dùng chuyển tài sản của mình từ blockchain này sang blockchain khác, do đó có thể tiến hành giao dịch một cách nhanh chóng với chi phí thấp đồng thời tạo điều kiện cho các DApps (Decentralized applications) phát triển trên nhiều blockchain khác nhau.
Nói một cách dễ hiểu hơn thì cross-chain bridge là cầu nối cross-chain cho phép chuyển giao tài sản từ blockchain này sang blockchain khác (layer 1, layer 2, sidechain,…). Các bridge sẽ cho phép người dùng:
- Thực hiện giao dịch chuyển giao tài sản một cách nhanh chóng và dễ dàng
- Dễ dàng thao tác thực hiện giao dịch
- Chỉ phải chi trả chi phí giao dịch thấp đối với các blockchain hoạt động độc lập
- Sử dụng DApps trên nhiều blockchain khác nhau
Bối cảnh
Khi mà việc thực hiện các giao dịch xuyên chuỗi dần trở nên khó khăn, một phần do phí gas đắt đỏ đặc biệt là trên blockchain Ethereum đã cản trở sự lưu thông của dòng tiền giữa các hệ sinh thái thì thật chẳng ngạc nhiên khi trong năm 2021 chúng ta đã nhìn thấy sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của các dự án Cross-chain bridge với tốc độ chưa từng có. Thậm chí tại điểm cả thị trường ở giai đoạn Bull Market, các bridges đã cho thấy sự gia tăng về lượng TVL cao đột biến khi mà khối lượng giao dịch trong DeFi chứng kiến sự bùng nổ.
Hiện tại thì TVL trong các Cross-chain bridge đang ở mức khoảng hơn 24 tỷ USD, nếu so với lượng TVL hiện tại trong DeFi khoảng hơn 200 tỷ USD thì con số này vẫn còn khá khiêm tốn. Trên thị trường hiện tại vẫn đang phổ biến là các bridges thuộc các lớp Layer 2 mở rộng chủ yếu được xây dựng trên blockchain Ethereum để có khả năng kết nối và tương tác với nhiều người dùng hơn, qua đó thu hút dòng tiền lớn hơn.
Những rào cản kỹ thuật
Đầu tiên, hãy cùng điểm qua những rào cản về mặt sản phẩm và kỹ thuật, để xem cross-chain có những nút thắt nào chưa được tháo gỡ.
An toàn bảo mật
Vấn đề bảo mật đã được Vitalik Buterin đề cập trong một bài viết, khi tấn công 51% xảy ra trên 1 chain, có thể dẫn đến ảnh hưởng domino ở đầu cầu còn lại.
Ngoài ra, chúng ta đã không quá lạ với nhiều vụ exploit liên quan đến mỗi sản phẩm bridge. Các lỗi này thường không phải vì đặc thù của mảng cross-chain, tuy nhiên nó vô hình chung làm xấu đi hình ảnh của nhiều sản phẩm trong mảng thị trường này.
Phần lớn các lỗi trong mảng cross-chain đến từ việc sai lầm trong việc đặt điều kiện trong contract, điều hoàn toàn có thể bắt gặp ở các mảng sản phẩm khác. Nhưng với những tiếng nói cùng sức ảnh hưởng quá lớn từ Vitalik, cùng việc các vụ exploit xuất hiện trên mạng xã hội thường xuyên gắn với từ “cross-chain”, khiến người dùng rén tay khi nói về bridge từ chain A sang chain B.
Có thể kể đến một vài vụ việc như Wormhole, Ronin, Multichain, Synapse,… Mới gần đây thì chúng ta có những vụ tấn công liên quan đến Li Finance hay Rainbow Bridge.
Sai khác trong cấu trúc hạ tầng
Phần lớn các blockchain phổ biến hiện tại như BSC, Avalanche, Fantom, Celo,…sử dụng hệ thống EVM (hệ thống máy ảo của Ethereum). Các blockchain này sử dụng chung hạ tầng cùng ngôn ngữ Solidity để phát triển các smart contract.
Nhưng 2021 là năm của rất nhiều blockchain thay thế và phần lớn sử dụng các hệ thống máy ảo khác EVM. Ngoài ra, họ còn sử dụng một ngôn ngữ smart contract khác là Rust.
Điều này vô hình chung tạo ra các hạn chế trong việc kết nối các chain. Dù vậy, nhiều blockchain mới nổi đã nghĩ ra giải pháp chính là xây dựng các “vùng đệm” – tức các giải pháp EVM cho chain của mình. Hiểu nôm na đây là chain kết nối với chain gốc, sử dụng bảo mật an toàn của chain gốc, nhưng sử dụng hệ thống máy ảo EVM của Ethereum để tiện phát triển các Dapp trong hệ sinh thái.
Các giải pháp này có thể kể đến như Moonbeam của Polkadot, Aurora của Near, EVMOS của IBC Cosmos và sắp tới có thể là Neon của Solana.
Tuy nhiên, hạn chế không phải là không phát sinh, điển hình như trường hợp của EVMOS trong thời gian gần đây. Một bug nhỏ khiến việc Claim airdrop gặp trục trặc, trùng lắp dữ liệu giữa chain IBC và EVM. Đội ngũ của EVMOS sau đó đã phải tạm hoãn vận hành chain và sau đó triển khai lại airdrop vào cuối tháng 04/2022.
Thanh khoản
Một điều nữa cũng rất phiền hà cho người dùng, đó chính là thanh khoản. Hầu hết các pool giao dịch cross-chain thường có mức trượt giá khá đáng kể.
Các pool kết nối với chain của Ethereum thì có thanh khoản dày hơn, tuy nhiên, đổi lại họ phải gánh chịu mức gas cực cao ở đầu cầu Ethereum. Với các chain mới và ít người đi lại, nguồn cung từ phía các LP (Liquidity Provider) cũng sẽ ít, khiến vấn đề thanh khoản ngày càng trầm trọng hơn.
Chuẩn token
Phần lớn các cầu nối vẫn đang sử dụng hệ thống Wrapped-Token, hiểu nôm na là một giấy chứng nhận, thay vì là phiên bản token gốc. Với cơ chế này, sẽ có một bên thứ ba đứng ra, khoá token ở một đầu cầu, sau đó mint ra một giấy đại diện “Wrapped Token” ở đầu cầu còn lại.
Theo cách này, quá trình đi lại sẽ nhanh, không phụ thuộc vào thanh khoản, nhưng đổi lại, nó sẽ phụ thuộc nhiều vào bên thứ ba, từ đó kéo theo những vấn đề về “Phi tập trung”.
Token thiếu ứng dụng
Đầu tiên, dễ dàng thấy các token dự án bridge rất ít usecase và phần lớn thì được dùng làm công cụ trả phí.
Một vài dự án sẽ có giải pháp dùng phí giao dịch thu được để buyback và burn token. Tuy nhiên, nhìn chung nếu rào cản từ việc đi lại là quá lớn, có thể khiến doanh thu sụt giảm, từ đó biến nhu cầu ôm các token dự án bridge sẽ từ đó mà yếu dần. Dưới đây là một góc nhìn về Bridge Wars – cuộc chiến giữa các cây cầu và những công nghệ mà các dự án cung cấp.
Tương lai nào cho cross-chain?
Với những phân tích từ các phần trên, cá nhân mình có rút ra một vài điểm quan trọng như sau. Và lưu ý, mình không phải là “Cố vấn Tài chính” hay “Chuyên gia tỉa nến”, do đó mọi nội dung bài viết này chỉ mang tính chất thông tin, góc nhìn cá nhân và không được xem là lời khuyên đầu tư.
Đầu tiên, mình tin rằng tiềm năng của cross-chain vẫn còn rất lớn. Đơn giản vì hạ tầng hiện tại vẫn còn rất nhiều lỗi (dẫn đến các vụ exploit), nhưng nó đồng nghĩa với việc các giải pháp công nghệ vẫn sẽ còn dư địa để phát triển.
Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại giữa các chuỗi là rất lớn. Điều này là vì các CEX hỗ trợ cổng chuyển không đa dạng tài sản, yêu cầu KYC, thao tác khá nhiều bước và còn giới hạn lượng nạp rút theo từng cấp KYC.
Thứ hai, dòng tiền đổ vào các sản phẩm này vẫn có. Đơn cử như việc FTX Ventures và Alameda sốt sắng trong cuộc chơi LayerZero – Stargate. Hay Binance Labs cũng nằm vùng ở Multichain hay sẵn sàng bơm tiền để Ronin khắc phục thiệt hại.
Cuối cùng, đó là động lực cạnh tranh giữa các sản phẩm vẫn rất mạnh mẽ. Mình không tin sẽ có một Winner duy nhất, đơn giản vì cross-chain cũng gặp vấn đề Trillema giống các Layer-1. Sẽ là một cuộc chiến mà mỗi sản phẩm sẽ có thể mạnh và điểm yếu riêng, từ đó giúp thị trường duy trì được động lực phát triển. Hãy xem thử Ethereum đã tích cực phát triển như thế nào từ ngày có những cái tên L1 khác cạnh tranh.
Nguồn: Tienthuattoan Capital tổng hợp